Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Liên quan đến vụ khai thác cát trái phép trên sông Cầu, phóng viên đã về tận nơi vài hôm trước xảy ra cuộc hỗn chiến giữa người dân và “cát tặc” trên dòng sông Cầu bên phía Bắc Giang để tìm hiểu vụ việc.

Chiếc nỏ người dân dùng để bắn đá tàu hút cát trái phép. Người dân thôn Thắng Lợi Hạ chỉ những vết nứt do đất bị sụt lún (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Trường.

Chiếc nỏ người dân dùng để bắn đá tàu hút cát trái phép. Người dân thôn Thắng Lợi Hạ chỉ những vết nứt do đất bị sụt lún. (ảnh nhỏ). (Ảnh: Nguyễn Trường)

Bốn thôn: Phấn Lôi, Thắng Cương, Thắng Lợi Hạ và Thắng Lợi Thượng thuộc xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nằm trên khúc “nóng” nhất của sông Cầu.

Đa phần người dân ở đây sống bằng nghề nông hoặc khai thác thủy sản trên sông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt hai thôn Thắng Lợi Hạ và Thắng Lợi Thượng thuộc dự án di dân nhưng người dân vẫn phải cố bám trụ để làm nông nghiệp.

Dùng lại vũ khí thời tiền sử

Sống chênh vênh trên miệng “tử thần” nên khi nhìn thấy việc hàng chục chiếc thuyền hút cát ngày đêm quần thảo trên lòng sông, ai ai cũng đều bức xúc.

“Thực sự không thể chịu được khi thấy gần năm chục chiếc tàu, to, bé, lớn, nhỏ đậu đen đặc cả một đoạn sông kéo dài đến vài cây số. Thuyền hút cát đậu nhiều tới nỗi, các thuyền khác muốn đi phải dạt sang bên phía Bắc Ninh để đi”, ông Phạm Văn Đa (thôn Thắng Cương) nhớ lại.

Đủ mọi phương tiện, mọi thứ vũ khí được người dân nơi đây tận dụng để “xua đuổi’ những tàu hút cát này. Đàn bà thì đứng trên bờ chửi bới, đàn ông thì tìm gạch đá ném vào các thuyền.

“Chúng tôi gọi trên loa truyền thanh yêu cầu tất cả thanh niên, đàn ông có mặt, tập trung vào một số thuyền có gắn máy, mang cả dao, gậy gộc. 

Chúng tôi tiếp cận được một số thuyền, nhảy cả lên boong và yêu cầu họ rút đi nếu không chúng tôi sẽ chặt đứt néo. Họ van xin rối rít và kéo tời rời đi nhưng chỉ được một đoạn lại vòng lại cắm ống hút tiếp”, ông Nguyễn Văn Mây (45 tuổi, thôn Thắng Lợi Hạ) nói.

Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là dọc bờ sông đoạn qua các thôn này có thứ “vũ khí” bằng những cây tre còn xanh nguyên được dựng lên.

Một gốc tre được dùng làm trụ, hai cây tre còn lại được chôn sâu, xếp chéo với nhau và được néo lại bằng những sợi dây thép vững chãi hình chữ Y, giống như chiếc nỏ (ná) của trẻ con hay chơi ngày xưa. 

Một sợi dây chun to bằng ngón tay được lồng với miếng da lớn ở giữa nối hai cây tre này bỗng trở thành một chiếc nỏ khổng lồ để bắn vào những chiếc tàu “không mời mà đến”.

Mỗi lần có thể bắn đi viên sỏi bằng khoảng nắm tay người lớn với khoảng cách đến 30m. Ông Đa cho biết, người dân nơi đây đã “sáng tạo” ra vũ khí này để ngăn tàu hút cát vào gần bờ. 

Cứ thấy nhiều tàu hút cát đến quá là người dân lại chạy ra, trẻ em đi học về thậm chí không ăn cơm, ra “bắn” vào tàu hút cát.

“Đã có không ít công nhân trên tàu bị trúng “đạn”, chảy máu. Thấy chúng tôi bắn “rát” quá, một chiếc xuồng bay (ca nô có công suất lớn - PV) từ phía Bắc Ninh chạy tới thì các thuyền có giãn ra. Nhưng chúng làm cả đêm nên người dân không thể lúc nào cũng ra đuổi được”, ông Đa nói.

Dùng cả “vòi rồng”

Theo những người dân nơi đây, cuộc chiến với “cát tặc” đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng gay gắt. Người dân địa phương chủ yếu là dùng gạch đá để ném nhưng cũng không ít lần họ tự tổ chức hàng chục người thuê thuyền, tự mua dầu đổ, trang bị cả gậy gộc áp sát các tàu yêu cầu không hút cát nữa, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và đặc biệt là diện tích hoa màu của xã Thắng Cương.

Đối ngược lại, các tàu hút cát tỏ ra khá “mềm mỏng” trong cuộc chiến với người dân. 

Cách thức họ đối phó lại chủ yếu là trốn vào trong khoang buồng lái mỗi khi bị “tấn công”.

Tuy nhiên, cũng không ít lần họ hò hét đuổi trẻ em địa phương khi những em nhỏ này tổ chức bắn đá sỏi lên tàu. Ban đêm, nhiều lần có người lên bờ chặt hết những cây nỏ tự chế của người dân. Đặc biệt gần đây, một số tàu sử dụng cả “vòi rồng” để phun vào thuyền của dân địa phương khi cố tiếp cận.

Người dân ở đây đã tự tổ chức nhiều cuộc họp nhằm ngăn chặn tình trạng này nhưng chưa có phương án nào hữu hiệu.

Nhiều người đưa ra “mưu kế”: Mỗi thuyền bắt lấy một “thằng”, đưa về UBND xã để chủ tàu phải đến “chuộc”, lúc đó sẽ yêu cầu bắt buộc các chủ tàu không được khai thác nữa mới trả người. 

Ý kiến này được phe “chủ chiến” đồng ý cao nhưng một bộ phận khác đưa ra quan điểm: Phần lớn những người trên tàu hút cát cũng là dân lao động nghèo, làm thuê cho chủ tàu, họ vì kiếm tiền nuôi gia đình nên mới phải thế. Làm thế vừa khổ họ mà mình lại mang tội. Hơn nữa, nếu mà dẫn giải “cát tặc” vào đây, chắc người dân sẽ lao vào hành hung do chất chứa bao bức xúc trong người… 

Phân tích một hồi, người dân nơi đây lại thôi. “Chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác. Cán bộ đến thì các tàu lại dạt đi, cũng chẳng làm gì được. Một vị lãnh đạo đương thời còn nói nhỏ với tôi: Việc ngăn chặn này giờ chỉ trông vào dân thôi”, ông Dương Công Lệnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thắng Cương, nói.

Trận chiến giữ cát trên sông Cầu ảnh 1

Đoạn đê bị sụt lún nghiêm trọng trên sông Cầu đoạn qua xã Thắng Cương. (Ảnh: Nguyễn Trường)

Hậu quả nghiêm trọng

Tuy có diện tích không dài nhưng đoạn sông chảy qua xã Thắng Cương là điểm “cam go” nhất trong cuộc chiến giữa người dân địa phương và “cát tặc”. Lý giải điều này, anh Mây, người có thâm niên hơn 20 trong nghề khoan giếng ở thôn Thắng Lợi Hạ lý giải: “Cát đẹp và độ dày lớn”. 

Cát ở đây chủ yếu là loại cát vàng, rất có giá trị trong xây dựng. Đổ trần nhà hay các công đoạn quan trọng trong xây dựng đều phải dùng đến loại cát này. Hiện nay, cát vàng loại tốt đang bán trên thị trường khoảng 300 nghìn đồng/m3, gấp 3 lần so với loại cát đen thường thấy ở các sông.

Cũng nhiều năm đi đào giếng và thực tế thấy các tàu hút cát, anh Mây cho rằng độ dày của cát vàng khu vực này khoảng 20-30m, một niềm khát khao của bất kỳ chủ tàu hút cát nào!

Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đê này đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Đặc biệt là tại khu vực thôn Thắng Lợi Hạ, nhiều đoạn đê đã sụt lún nghiêm trọng kéo theo cả những búi tre to, những cây xoan trên đê đổ ụp.

Nhiều người dân nơi đây rất tiếc một ghềnh đá mà trước đây còn gọi với cái tên là “Bến Thánh”, nơi người dân thường tổ chức lễ cầu mưa, cầu nắng đầu năm cũng đã bị dòng sông nuốt chửng. 

Nhìn màu nước hiện nay, nhiều ngư dân có thể thấy, chỉ cách khoảng gần một mét là lòng sông đã trở nên thẳng đứng, sâu đến 20-30m.

Hầu hết các ngôi nhà ở thôn Thắng Lợi Hạ đều bị nứt. Người dân ở đây cho biết, cứ mỗi lần có đợt hút cát,  họ ăn, ngủ không yên. Nhà cửa rung lắc theo tiếng động cơ gầm rú trên mặt sông. 

Chưa kể, con đê này đang ngăn nước cho cả cánh đồng xã Thắng Cương mà theo ông Trần Đức Ngò (76 tuổi) thì nếu con nước lớn cộng với một chiếc mạch sủi nữa thôi thì cả cánh đồng sẽ ngập trong nước lũ, “nồi cơm” của cả xã sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Ông Dương Công Lệnh bảo: “Mới đây, anh Nguyễn Hữu Trường ở thôn Thắng Cương bị chết đuối ở đoạn sông mà thường ngày anh ấy vẫn tắm giặt vì hôm đó không nghĩ được rằng đoạn đáy sông ấy đã bị những chiếc tàu cát hút đi mất. Ngày trước chúng tôi tắm ở đây cứ cách bờ 20m vẫn có thể chạm chân tới được nhưng bây giờ ra khỏi bờ 2 m đã thấy dòng sông lạnh ngắt, sâu hoắm…”.

Cán bộ  vừa ra khỏi cổng đã có “chim lợn” báo 

Trả lời PV tối 17/3, ông Hoàng Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng này. Không phải như bắt hàng lậu trên đường mà việc bắt “cát tặc” trên sông phải có lực lượng và phương tiện đủ mạnh.

Bên cạnh đó là tình trạng mập mờ không rõ đâu là đơn vị được cấp phép khai thác, đâu là thuyền của “cát tặc” nên mặc dù được giao xử lý nhưng rất khó để phân biệt các trường hợp này.

“Hơn nữa, lực lượng này cũng có một đội quân đông đảo làm nhiệm vụ “chim lợn”. Cán bộ ra đến cổng là bọn chúng đã biết rồi nên khi chúng tôi đến nơi thì các tàu đã đi xa, không làm gì được”, ông Đức nói.

>>> Đọc thêm: Thứ trưởng Bộ GTVT: 'Chúng tôi không nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh’

Video: Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, Cục Đường thủy nội địa lên tiếng

Nguồn: Tiền Phong

Bình luận

Tin tài trợ

Source : vtc[dot]vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét